Người lao động hiện nay đang quan tâm nhất là mức lương tối thiểu và các qui định về tiền lương cơ bản theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP, Giúp người lao động hiểu về lương cơ bản của mình.
Lương cơ sở là gì?
Mức lương cơ sở là mức lương được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác nhau theo quy định của Pháp luật đối với đối tượng theo quy định (mức lương cơ sở còn được hiểu là mức lương thấp nhất).
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang;
- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Đối tượng áp dụng lương cơ sở
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP có quy định về đối tượng áp dụng mức lương cơ sở bao gồm:
- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008.
- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008.
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010.
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Lương tối thiểu vùng là gì?
Là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất.
- Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề.
Lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ tăng thêm 5,5%
Chiều 11-7, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp và thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 thêm 5,5%. Mức tăng này sẽ được trình Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, tại phiên đàm phán đầu tiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng từ 7-8%. Trong khi đó, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đề xuất không tăng lương để đảm bảo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Như vậy, mức tăng lương tối thiểu tương ứng của vùng 1 là 240 ngàn đồng, vùng 2 là 210 ngàn đồng, vùng 3 là 180 ngàn đồng, vùng 4 là 150 ngàn đồng.
Với mức tăng này, về phía đại diện người lao động là ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tỏ ra hài lòng vì sẽ giúp người lao động có thêm một khoản tiền hằng tháng để trang trải cuộc sống.
Song đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam thì cho rằng mức tăng này sẽ làm tăng chi phí quỹ lương của các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải có những cách làm mới như thay đổi công nghệ, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, tay nghề của người lao động để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Phân loại vùng 1,2,3 tại tỉnh Đồng Nai
Tại Đồng Nai, các địa phương thuộc vùng 1 gồm:
TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom.
Vùng 2 gồm các huyện:
Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất.
Vùng 3 gồm:
huyện Tân Phú và Cẩm Mỹ.
Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 157/2018/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho những đối tượng sau đây:
- Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
- Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Mức lương tối thiểu vùng năm 2020
Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, người lao động làm việc ở các doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng lao động sẽ được tăng lương từ 150.000-240.000 đồng so với năm 2019.
Cụ thể:
Người lao động thuộc vùng I tăng từ 4.180.000 đồng lên 4.420.000 đồng/tháng;
Vùng II tăng từ 3.710.000 đồng lên 3.920.000 đồng/tháng;
Vùng III tăng từ 3.250.000 đồng lên 3.430.000 đồng/tháng;
Vùng IV tăng từ 2.920.000 đồng lên 3.070.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.